5. Ái Dục, Sân Hận & Bạo Hành | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền 2008 (Tiếng Việt)

(Vui lòng cuộn xuống dưới để đọc văn bản bài giảng)

_____

Ái dục, sân hận và hãm hại

Thiền sư Kyunpin (U Jaṭila) giảng tại Như Lai Thiền viện, năm 2008

Hôm nay, Sư giảng về đề tài kammavitakka (dục tầm), byapadavitakka (sân tầm) và vihimsavitakka (hại tầm).

Kammavitakka (dục tầm), là những suy nghĩ về ái dục, byapadavitakka (sân tầm) là những suy nghĩ sân hận. Vihimsavitakka (hại tầm) là những suy nghĩ bạo hành, muốn hãm hại người khác. Thiền sư nói, mỗi ngày, những suy nghĩ này liên tục khởi sinh trong tâm của chúng ta. Cho dù thiền sinh đi đến trường thiền để hành thiền, nhưng trong khi quan sát phồng-xẹp thì tâm của thiền sinh vẫn còn suy nghĩ chuyên này, chuyện nọ. Những suy nghĩ này đôi khi liên hệ tới ái dục, sân hận hay muốn hãm hại người khác bởi vì tham, sân, si.

Trong khi quan sát phồng-xẹp, đôi khi chúng ta nhớ, nghĩ về những người mà chúng ta thích, quý mến thì khi đó kammavitakka (dục tầm: suy nghĩ về ái dục khởi sinh). Khi quan sát phồng-xẹp, chúng ta nhớ tới điều gì hay nhớ tới những ai mà chúng ta không ưa thích và cảm thấy bực bội, những suy nghĩ đó gọi là byapadavitakka (sân tầm: suy nghĩ sân hận). Khi quan sát phồng-xẹp, chúng ta cũng có suy nghĩ tính toán, kiện tụng hay muốn giết ai đó, phá hoại công việc làm ăn của ai đó thì đó là vihimsavitakka (hại tầm: suy nghĩ, những tư tưởng về bạo hành khởi lên trong chúng ta).

Như vậy, bất kì những suy nghĩ nào khởi sinh trong lúc quan sát phồng-xẹp, chúng ta phải lập tức ghi nhận. Sư nói rằng, chúng ta cảm thấy buồn bã vì những suy nghĩ này cứ quấy rối chúng ta. Nhưng ngày thường, do không hành thiền nên chúng ta không thấy nó. Cho nên, trong khi hành thiền, nếu có những suy nghĩ giận dữ thì hãy ghi nhận “giận, giận”, những suy nghĩ hãm hại người khác thì hãy ghi nhận: “suy nghĩ hãm hại người khác”. Và khi định tâm phát triển, chúng ta có thể nhìn thấy tâm của mình.

Cái tâm đi rất nhanh, sinh-diệt rất nhanh, nên chỉ khi tâm định phát triển, chúng ta mới thấy được những suy nghĩ này. Sư nói, trong thời kì Đức Phật hiện tiền, có vị tỳ kheo, thị giả của Đức Phật, tên là Meghiya. Khi vị tỳ kheo này đi ngang qua một khu vườn xoài rất tươi tốt, vị này muốn được ở đó hành thiền. Nhưng khi xin phép Đức Phật, Ngài khuyên rằng, hãy chờ để Ngài tìm được 1 vị trợ lí khác. Tuy nhiên, vị tỳ kheo này đã không nghe lời và đến vườn xoài hành thiền.

Trong khi hành thiền, vị tỳ kheo này đã không quan sát được đối tượng chính là phồng-xẹp mà những suy nghĩ vế ái dục, sân hận, và bạo hành cứ liên tục sinh khởi trong tâm. Sư nói rằng, dù là 1 vị sư nhưng những suy nghĩ như thế vẫn còn sinh khởi. Cho nên, nếu còn có kilesa (ô nhiễm) như là tham-sân-si thì dù là sư hay là người đời thì tâm vẫn còn khởi sinh thích, muốn, giận, ghét… và khi giận, ghét thì có ý muốn hãm hại người khác.

Như vậy, ô nhiễm có thể khởi sinh bất cứ lúc nào trong tâm của chúng ta. Và vị tỳ kheo này đã không thể quan sát và vượt qua được những tâm này. Do đó, vị tỳ kheo đã không thể hành thiền được. Và vị này đã trở về gặp Đức Phật. Đức Phật khuyên vị tỳ kheo trở lại khu vườn xoài hành thiền. Ngài nói lên những câu kệ như sau:

Tâm phàm xao xuyến, rộn ràng

Rất khó kiểm soát, khó hàng phục thay

Người trí uốn nắn tâm ngay

Dễ dàng như thợ có tài uốn tên

Như thủy tộc vứt nằm trên

Xa bờ, cách nước, vẫy lên hãi hùng

Tâm này run rẩy, hãi hùng

Hãy mau chóng thoát khỏi vùng ác ma.

(Giác Minh dịch)

“Ác ma” là 10 ô nhiễm trong tâm (chú thích của phiên dịch). Thiền sư nói, bản chất của tâm không chịu ở yên một chỗ và khi hành thiền, chúng ta mới thấy được bản chất này của tâm. Tâm phóng chạy đó, đây; tâm ngược về quá khứ; tâm suy tính chuyện tương lai. Khi nghĩ về quá khứ, thích thì ta cười, không ưa thì ta nổi giận và tính toán, hãm hại người khác. Như vậy, tâm không ở yên một chỗ và chúng ta cần phải rèn luyện tâm.

Trong khi quan sát phồng-xẹp, nếu suy nghĩ khởi sinh, chúng ta phải lập tức ghi nhận ngay “suy nghĩ, suy nghĩ”. Nếu chúng ta có dự tính gì, lập tức ghi nhận “dự tính, dự tính”. Nếu buồn, chúng ta ghi nhận ngay “buồn, buồn, buồn”. Quan sát kịp thời như vậy, chúng ta có thể phát triển định một cách dễ dàng. Nếu mà vì giận, chúng ta không quan sát kịp thì chúng ta không thể nào vượt qua. Sư nói rằng, sư tiếp xúc với rất nhiều thiền sinh và mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một nỗi khổ khác nhau. Cho nên, sư khuyên rằng nếu chúng ta có suy nghĩ giận thì chúng ta phải ghi nhận ngay và rồi trở về với phồng-xẹp. Vì vậy, khi quan sát phồng-xẹp, chúng ta phải quan sát một cách cẩn thận và khi có bất kì suy nghĩ gì khởi sinh, chúng ta cũng phải ghi nhận, quan sát một cách cẩn thận.

Trong phẩm tâm, kinh Pháp Cú, có rất nhiều câu chuyện nói về tâm. Sư đưa ra một ví dụ như thế mà thôi. Ngày nay, khoa học và kĩ thuật phát triển, tâm chúng ta càng có nhiều tham vọng, sân hận hơn. Cho nên, hành thiền cần thiết cho mỗi người chúng ta. Khi hành thiền, quan sát phồng-xẹp, nếu có bất kì cái gì sinh khởi trong thân và tâm, chúng ta cần phải ghi nhận một cách kịp thời.

Hành thiền minh sát là để loại trừ những ô nhiễm trong tâm. Và nhờ loại trừ ô nhiễm mà tâm trở nên trong sạch. Do vậy, thực hành Satipatthana (Tứ Niệm Xứ) là chúng ta thanh lọc tâm của mình. Càng có nhiều ô nhiễm, chúng ta càng có nhiều tham vọng và sân hận. Do vậy, chúng ta cần phải thực hành, hành thiền trong hoạt động hằng ngày như khi tắm, khi ăn, khi đi, khi đứng… chúng ta cần phải giữ chánh niệm cẩn thận.

Khi chánh niệm một cách cẩn thận thì ô nhiễm sẽ không có cơ hội phát triển. Như vậy, chúng ta giảm được tham, sân và si. Khi tham, sân, si giảm, chúng ta sẽ an lạc, hạnh phúc hơn. Sư nói rằng đây là cách duy nhất, không có cách nào khác để thanh lọc tâm. Satipatthana (Tứ Niệm Xứ) là cách tốt nhất để rèn luyện tâm, là cách tốt nhất để giữ cho tâm trong sạch và an tịnh, cũng là loại thuốc tốt nhất cho tâm của chúng ta.

Mỗi ngày, lúc thức dậy, mắt chúng ta luôn nhìn ra. Và vì mắt chúng ta luôn nhìn ra ngoài, nên chúng ta luôn nhìn thấy lỗi của người khác. Khi thực hành Satipatthana (Tứ Niệm Xứ) là chúng ta thực hành chánh niệm, là chúng ta có cơ hội nhìn vào trong thân-tâm này. Cả ngày, hầu như chúng ta không bao giờ quan sát thân và tâm này. Khi đi ra ngoài, chúng ta để thì giờ nhìn vào gương để xem mặt của mình mà thôi. Cho nên, trong cuộc sống, khi có điều gì xảy ra, ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác.

Khi hành thiền, chánh niệm và định tâm phát triển, chúng ta bắt đầu thấy lỗi của mình. Chúng ta không còn có thì giờ nghĩ về người khác, về lỗi của người khác. Khi có định và chánh niệm, chúng ta muốn thay đổi tâm để trở nên tốt hơn. Như vậy, chúng ta cần có chánh niệm, cần quan sát vào trong thân-tâm này để thanh lọc thân và tâm. Khi ấy, ta không còn có thời giờ để chỉ trích người khác nữa. Chúng ta bận rộn quan sát phồng-xẹp và khi có đối tượng gì nổi bật, chúng ta lập tức ghi nhận rồi trở lại phồng-xẹp.

Như vậy, chúng ta bận rộn quan sát thân và tâm mỗi ngày, chúng ta không chỉ trích người khác, tâm trở nên trong sạch hơn. Nếu cứ nhìn ra và nhìn thấy lỗi của người, thì ta không có thì giờ để sửa đổi thân và tâm. Sư nói, có người luôn có những phiền phức với mọi người, với người trong nhà, với láng giềng, với bạn bè công sở. Nếu chúng ta hỏi người này, vì sao mà người này luôn có phiền phức thì chắc chắn họ trả lời rằng tôi không có lỗi, tôi đúng, chỉ có những người trong nhà, láng giềng hay bạn bè công sở có lỗi mà thôi. Người ta thường không thấy lỗi của mình mà luôn thấy lỗi của người. Và một người như thế sẽ luôn luôn gặp phiền phức ở bất cứ nơi nào mà người đó đến.

Về phần sư, sư xuất gia lúc 9 tuổi và đến Yangon học Pali lúc 16 tuổi. Sau đó, sư bắt đầu hành thiền. Trước khi hành thiền, sư nghĩ sư là một người rất tốt, hoàn thiện. Nhưng khi hành thiền, dần dà, sư nhận ra lỗi của mình. Sư thấy sư có nhiều khuyết điểm và sư sửa đổi rồi tiếp tục hành thiền, sư lại thấy sư có nhiều khuyết điểm khác và tiếp tục sửa đổi. Do vậy, hành thiền là phương pháp tốt nhất để sửa đổi mình và thay đổi cuộc sống.

Ở một khóa thiền, có một vị sư người Lào đến để hành thiền. Vị sư này thật ra không muốn hành thiền và không hành thiền tốt. Đến cuối khóa, vị sư người Lào này đến gặp sư và nói rằng tôi nghe ai cũng tôn trọng sư, nhưng tôi thì không. Sư nói rằng nếu trong khóa thiền, vị sư này đến nói như vậy thì có lẽ sư sẽ giận nhưng cuối khóa thiền rồi và sư cảm thấy không có giận. Sư chỉ cười và nói với vị sư này rằng, sư có thể không thích tôi và nếu mà sư không thích tôi, sư có thể chọn một vị thiền sư khác để mà tiếp tục hành thiền và thay đổi con người của mình.

Sư nói, việc dạy thiền không phải là một điều dễ làm và là 1 vị Thiền Sư, sư luôn gặp nhiều khó khăn khi hướng dẫn thiền sinh. Mỗi thiền sinh có một cá tính khác nhau và trước khi đến, thiền sinh đó có thể đã hành thiền qua với nhiều vị Thiền Sư khác rồi. Một số thiền sinh rất ngạo mạn cho rằng, họ hành thiền tốt, họ có rất nhiều kinh nghiệm và đạt được Tuệ minh sát rất cao. Với những người này, Sư phải chờ có cơ hội để mà thay đổi họ. Nếu không lựa cơ hội đúng lúc mà nói thì người này sẽ giận và đôi khi la, quát lại Thiền Sư. Có nhiều Thiền Sư dạy nhiều cách hành thiền rất khác nhau và những Thiền Sư này đôi khi nói với thiền sinh rằng họ đã hành thiền tiến bộ rất cao. Do vậy, khi đến hành thiền với sư thì một số thiền sinh này luôn luôn cho rằng họ tu rất là cao và đôi khi họ không nghe lời Sư.

Trong số đó có một nữ thiền sinh, cô không biết quan sát phồng-xẹp và khi sư hướng dẫn, cô không nghe lời. Cô nói rằng, thầy cô nói không nên quan sát phồng-xẹp, nếu không quan sát phồng-xẹp, tôi có thể quan sát những điều khác tốt hơn. Và Sư đã kiên nhẫn giải thích rằng, nếu cô không lấy phồng-xẹp làm đối tượng chính thì cô phải có một đối tượng nào khác là đối tượng chính để quan sát. Nhờ quan sát đối tượng chính, cô mới phát triển được tâm định và chánh niệm.

Và sư tiếp tục giải thích với cô, là một thiền sinh thì cần phải biết khi nào là tâm ghi nhận, khi nào là phóng tâm. Biết được khi nào tâm ghi nhận ghi nhận được đối tượng, khi nào tâm phóng chạy thì thiền sinh mới có thể tiến bộ trong thiền tập. Sư nói, khi sư chờ thiền sinh đến trình Pháp, thì chỉ nhìn cách thiền sinh mở cửa, bước, đi, sư sẽ biết được thiền sinh này có chánh niệm hay không, tu tập đúng hay không. Với nữ thiền sinh mà sư vừa nói, mặc dù cô không quan sát được phồng-xẹp, cô không có đề mục chính hành thiền nhưng cô đi đứng chậm rãi. Mặc dù cô đi đứng chậm rãi, nhưng Sư biết cô không có chánh niệm. Và đối với cô, Sư phải chờ có cơ hội để nói, để thay đổi cô.

Một số thiền sinh khác khi đến với Sư, khi Sư không biết cách thì Sư không thay đổi được họ. Mà ngược lại, họ còn cãi và cự lại với Thiền Sư. Mục đích của việc hành thiền là để giảm bớt ô nhiễm trong tâm. Khi mà những ô nhiễm giảm bớt, tâm trở nên thanh tịnh, ít tham, sân, si, ngã mạn… Và khi đó, tâm trở nên có nhiều tâm từ. Có những người đã hành thiền lâu năm và tự hào mình đã thiền lâu năm. Nếu có ai nói gì thì giận lên. Những người như thế đã không thực sự hành thiền. Khi chúng ta không quan sát được đối tượng một cách rõ ràng thì trong khi hành thiền thay vì quan sát đối tượng, chúng ta lại suy nghĩ miên man. Và bằng cách đó, chúng ta không thể nào làm giảm bớt ô nhiễm, ô nhiễm trong tâm. Như vậy, người này dù có hành thiền 10 năm, 20 năm hay hơn nữa, người này sẽ không có lợi lạc gì.

Ngược lại, nếu chúng ta biết cách hành thiền, biết quan sát đối tượng chính, đối tượng phụ và biết ghi nhận thì dù chỉ 1 hay 2 tuần, chúng ta cũng sẽ có được rất nhiều lợi lạc. Sư nói rằng có 1 số thiền sinh hành thiền rất lâu năm nhưng lại gây rất nhiều phiền phức cho mọi người ở nhà, ở thiền viện, ở sở làm. Khi đến thiền viện rồi, nhưng vẫn gây gỗ với những người khác về mùng, về quạt, về cửa… Khi thấy thiền sinh luôn phàn nàn và gây phiền phức đến người khác như vậy thì chúng ta hiểu rằng, người này đã không hành thiền tốt, người này không ghi nhận cẩn thận những đề mục và người này không hành thiền đúng cách.

Ở Miến Điện, một số vị Sư đã hỏi Thiền Sư rằng họ thấy một số Thiền Sư, dù dạy thiền nhưng rất thường giận giữ và tham lam, vì sao? Sư trả lời rằng đừng hỏi tôi mà đi hỏi họ xem họ hành thiền như thế nào, và xem họ có thực sự hành thiền hay là không hành thiền. Sư nói, nếu chúng ta không hành thiền đúng cách, không hành thiền một cách nghiêm túc thì cái tâm nó vẫn như thế, vẫn đầy tham, sân, si. Như vậy, chúng ta không thể thay đổi được tâm tính của mình. Và đây không phải là lỗi của việc hành thiền mà là lỗi của người hành thiền.

Nếu thiền đúng cách, chúng ta sẽ hưởng được rất nhiều lợi lạc. Khi chúng ta có được lợi lạc qua thiền tập, chúng ta cảm thấy vô cùng cảm kích Đức Phật, cảm kích Giáo Pháp của Ngài, cảm kích công lao của Ngài đã truyền lại Giáo Pháp cho chúng ta thực tập ngày hôm nay. Qua câu chuyện của vị tỳ kheo Meghiya, một người có những tư tưởng ái dục, sân hận và ám hại người khác nhưng nhờ thiền tập, đã vượt qua, đắc được đạo, quả thành vị thánh nhập lưu, cho nên, sư khuyên rằng khi mà chúng ta hành thiền, những suy nghĩ này sinh khởi là một điều rất tự nhiên, đừng giận giữ mà hãy cố gắng quan sát một cách cẩn thận. Nếu kiên trì quan sát một cách cẩn thận, chúng ta sẽ vượt qua được và có được nhiều lợi lạc. Sư chúc tất cả thiền sinh hành thiền tốt và có nhiều lợi lạc.

(Sư cô Diệu Pháp dịch)

_____

Từ khóa: k2008 /Như Lai Thiền Viện/ /Diệu Pháp Sudhamma/ /Như Lai Thiền Viện 2008/ vuonxoai meghiya thigia canamtrenbo vungvay byapafavitakka suynghi ductam santam haitam nhulaithienvien nhulaithienvien2008 dieuphapsudhamma